Tôi đã đạt IELTS 8.5 như thế nào?

Lưu ý: để kham khảo bí quyết học tiếng Anh của tôi, các bạn có thể đồng thời đọc bài viết này và chia sẻ của tôi trên VnExpress ở link sau: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/lam-the-nao-de-tu-hoc-tieng-anh-va-dat-8-5-ielts-3221819.html

Từ cuối năm ngoái đến nay, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để đạt điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh. Người ta hỏi bí quyết của tôi là gì, tôi có mánh khóe nào (tips) đặc biệt không, tôi đã luyện IELTS trong bao lâu trước khi thi, rồi có người còn hỏi tôi rằng học trung tâm nào thì tốt (e hèm, có trung tâm nào hứng thú chào mời quảng cáo không nhỉ? =))).

Mỗi khi nhận được những câu hỏi như vậy, tôi không khỏi cảm thấy chút bối rối, bởi vì tôi không cho rằng mình là người nắm giữ bí kíp gì độc đáo, mới lạ trong việc học tiếng Anh. Tôi cũng không phải kiểu người đạt điểm cao nhờ luyện thi cấp tốc (tôi KHÔNG TIN vào bất cứ cái gì cấp tốc), và chưa bao giờ tôi theo học một trung tâm Anh ngữ nào sau khi tốt nghiệp đại học (chuyên ngành đại học của tôi là tiếng Anh, cũng xin nói thẳng là như vậy). Tuy thế, tôi rất trân trọng việc có những bạn đã tìm đến tôi để xin lời khuyên, và để đáp lại sự quan tâm của các bạn, tôi viết bài này để truyền đạt lại những kinh nghiệm của riêng mình. Nếu ai đó thấy bài viết của tôi là có ích và muốn cảm ơn, thì xin hãy share giùm bài viết này – cảm ơn nhiều. 🙂

1. Không có bí quyết nào quan trọng hơn niềm đam mê:

Có thể người ta đã nói mãi với bạn. Nhưng chỉ vì điều này được nói quá nhiều, không có nghĩa là nó không nên được nhắc lại.

Tôi chính là một ví dụ điển hình. Tôi không phải một người thông minh vượt trội hay học hành xuất sắc. Ừ thì tôi cũng có năng khiếu ngoại ngữ một chút, nhưng tôi không phải dạng học nhanh hơn hẳn mọi người.

Tôi cũng là một người khá.. lười biếng. Tôi không thường xuyên mở sách ra làm bài hay luyện tập. Thực tế là sau khi tốt nghiệp tôi chẳng hề giở sách tiếng Anh ra học được một buổi nào nếu không phải là để.. đi dạy gia sư (hồi mới tốt nghiệp trình độ của tôi chỉ đạt 7.5 IELTS – và đa phần sinh viên ngoại ngữ không vượt quá level này nếu như họ không trau dồi thêm sau khi ra trường). Thế nhưng tôi vẫn học tiếng Anh hàng ngày, bằng cách tự tạo ra cho mình những thói quen: thói quen cởi mở bắt chuyện, trao đổi với người nước ngoài (không, tôi không ra hồ Gươm “săn tây” mỗi tuần như có bạn từng hỏi :)), chỉ là tôi làm báo và thi thoảng tham dự các sự kiện quốc tế trong và ngoài nước nên có nhiều bạn tây); thói quen xem phim không có phụ đề/hoặc ít nhất với phụ đề tiếng Anh; thói quen tìm kiếm mọi thứ trên Google theo tiếng Anh (ví dụ: how to write an essay, current temperature in Hanoi, Ryan Gosling profile, etc.); thói quen tra từ điển ngay khi nhìn thấy một từ mới thú vị, thói quen đọc báo tiếng Anh và tiểu thuyết tiếng Anh, vân vân.

Điều tuyệt vời nhất trong việc học tiếng Anh, chính là bạn có khả năng tự thiết kế chương trình học cho mình. Bạn có thể học mọi lúc mọi nơi, và trong thời đại số này, English lessons are just a click away! – nghĩa là bài học tiếng Anh luôn sẵn có ở bất cứ đâu.

Nhìn chung, tôi thích học tiếng Anh một cách tự nhiên như vậy, vì như thế bạn sẽ tiếp thu kiến thức dễ hơn. Việc học nên là niềm vui, chứ không nên học một cách miễn cưỡng, gượng ép. Muốn học tiếng Anh, bạn phải làm sao để đam mê bộ môn này và kết hợp với những sở thích khác (whatever you choose, giả dụ như chơi điện tử, xem phim, đọc sách, đọc báo, làm quen kết bạn,…). Ít nhất, đó là bí quyết quan trọng nhất của tôi.

Okay, giờ đi vào chuyện kỹ năng, vì thi cử luôn đòi hỏi kỹ năng kể cả khi bạn tự tin mình đã có một vốn kiến thức không tồi.

2. Để thể hiện tốt trong buổi thi nói, bạn cần có sự chuẩn bị về vốn từ. Khi phỏng vấn bạn, người ta luôn luôn hỏi những đề tài sau: cuộc sống của bạn, những trải nghiệm bạn từng có, gia đình bạn, những người xung quanh bạn (thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,..), quan niệm của bạn về cuộc sống. Chính vì thế trước khi vào phòng thi, bạn cần phải có một sự chuẩn bị nhất định. Phải làm sao để khi người ta hỏi câu gì, bạn cũng thấy mình “trúng tủ”, ít nhất là với một số câu hỏi cơ bản và thường gặp nhất xoay quanh việc giới thiệu bản thân, trình bày quan điểm, và miêu tả người. Để làm được điều này, một là bạn cần có sẵn 1 vốn từ rộng được tích lũy trong nhiều năm, hai là bạn phải tự học thuộc lòng những từ vựng xoay quanh những đề tài trên cùng cách sử dụng chúng – không có cách nào khác.

3. Về bí quyết để đạt điểm cao trong bài thi nói, thì tôi đã trình bày rất rõ trong bài viết này và bài này nữa: bạn phải có cách phát âm chuẩn, có một vốn từ đủ dùng, và biết cách làm chủ chúng để miêu tả một cách sinh động. Không nên quanh quẩn mãi với những cách diễn đạt cũ kỹ, nghèo nàn. Ví dụ:

  • Kể về một nơi bạn từng đến, thay vì nói: it’s a beautiful place, hãy nói: it’s breathtakingly beautiful, hoặc cụ thể hơn: the scenery there is breathtakingly beautiful.
  • Thay vì nói: “My mother is very kind/loving”, hãy nói: “I am lucky/ I find myself lucky to have a considerate/thoughtful and understanding mother.” Sau đó lấy ví dụ mẹ mình thoughtful và understanding như nào, chẳng hạn như: “She’s almost like a friend to me. When I have problems, I often seek her advice and she always listens to me attentively.

Cách phát âm chuẩn thì bạn buộc phải tự bồi đắp qua một quá trình, nhưng vốn từ và cách sử dụng thì tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể luyện được trong một thời gian nhất định (1-4 tháng, tùy xuất phát điểm của bạn, nếu xuất phát điểm của thấp thì tôi.. chịu thua – bạn phải học lại ngữ pháp căn bản đã rồi mới hy vọng).

4. Luyện tập kiểm soát thời gian:

Bạn không bao giờ có nhiều thời gian cho bất kỳ một bài thi nào. Vì thế nếu muốn đạt điểm cao, nhất thiết bạn phải luyện tập kiểm soát thời gian. Trong vòng một tháng trước khi thi, bạn cần dành thời gian để mỗi ngày làm ít nhất một bài tập trong quyển đề IELTS (quyển nào cũng được không quan trọng, giống nhau hết). Hai kỹ năng viết và nói thì có thể hơi khó để tự học, nhưng nghe và đọc thì bạn hoàn toàn có thể LÀM MỖI NGÀY MỘT ĐỀ. Trong chuyện này không ai có thể giúp được bạn ngoài chính bạn – vì luyện tập yêu cầu tính kỷ luật. Việc luyện tập như vậy không chỉ giúp bạn lên level mà còn giúp bạn làm quen với các yêu cầu tiêu chuẩn của IELTS trong từng kỹ năng, từ đó tránh gặp lúng túng khi thi.

Trong trường hợp của tôi, thì tôi đã không có nhiều thời gian để luyện tập, nhưng ít nhất 1 tuần trước khi thi, gần như mỗi ngày một lần tôi đều làm 1 đề nghe (cũng chỉ mất 30 phút mà). Kết quả hết sức mỹ mãn: tôi được 9 điểm, điểm tối đa ở kỹ năng này. Ở các kỹ năng khác, tôi cũng không có nhiều thời gian, nhưng nhờ đã thi IELTS 2 lần trước đó, nên tôi không còn xa lạ với các yêu cầu của đề và không hề gặp lúng túng gì trong quá trình thi. Quen thuộc với dạng đề thi cũng là một yếu tố quen trọng để đạt điểm cao.

5. Làm sao để viết tốt hơn? Rất tiếc vấn đề vẫn nằm ở việc luyện tập. Nhưng tôi biết với những người không có nhiều thời gian dành cho kỹ năng này, làm bài tập không phải là điều dễ dàng thu xếp. Bản thân tôi sau khi ra trường cũng không có thời gian để luyện viết essay dạng academic. Tuy nhiên, tôi luôn triệt để tận dụng mọi cơ hội để luyện viết tiếng Anh. Ví dụ như khi tôi đang nghiện một bộ phim hay series truyền hình nào đó, tôi hay lên các diễn đàn nước ngoài để trao đổi với các khán giả cùng sở thích. Trên các diễn đàn này, thành viên đến từ khắp nơi nên khó lòng mong mỏi ai cũng có vốn tiếng Anh chuẩn, nhưng ít nhất nhờ giao tiếp trên đó, bạn sẽ có cơ hội để luyện tập và trau dồi vốn từ, cách diễn đạt của mình. Một cách khác đó là viết thư. Đôi khi tôi phải trao đổi thư từ với người nước ngoài vì công việc hay đơn giản là giao tiếp xã hội, nên tôi khá thành thạo việc này. Nhưng tôi không bao giờ viết 1 bức thư qua loa mà dành khá nhiều thời gian. Dù chỉ viết một bức thư ngắn vài dòng, tôi cũng dành thời gian để cân nhắc từ ngữ, tra từ điển, viết câu cho thật chuẩn và diễn đạt ý thật rành mạch, rõ ràng. Quá trình trao đổi thư thường chỉ mất khoảng vài phút đến nửa tiếng mỗi lần thôi, nhưng qua việc đọc thư của người gửi tôi học được một số từ/cách diễn đạt mới đồng thời trau dồi khả năng viết của mình. Nhìn chung, nếu bạn không có một ông thầy gia sư sửa bài cho bạn, thì cũng có vô vàn cách để bạn luyện viết tiếng Anh từ việc tham gia diễn đàn nước ngoài đến viết thư trao đổi với bạn bè. Hơn nữa, đây cũng là một cách học tự nhiên nhất, dễ vào nhất theo ý kiến của tôi.

6.

Một trong những thói quen hiệu quả để học từ mới là tra từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt, hoặc song song với từ điển Anh-Việt. Phương pháp này nhằm vào hai mục đích: giúp hiểu rõ bản chất của từ, vì ý nghĩa của từ sẽ được diễn giải bằng cách dùng những từ ngữ tiếng Anh cơ bản nhất; và giúp hình thành tư duy bằng tiếng Anh. Cách làm này có lợi hơn hẳn so với tra Anh-Việt, vì loại từ điển đó chủ yếu cung cấp cho bạn từ tương đương trong tiếng Việt, chứ không giúp bạn hiểu được đầy đủ những sắc thái riêng của từ trong tiếng Anh. Hãy tập cho mình thói quen tra từ điển Anh-Anh trước, rồi nếu vẫn không hiểu thì mới tra thêm Anh-Việt.

TRÁNH:

-Liệt kê một đống từ mới mà bỏ qua học phát âm. Bất cứ khi nào học một từ mới bạn đều phải nghe cách phát âm. Thao tác này rất đơn giản: TẤT CẢ từ điển online hiện nay đều có phát âm mẫu đi kèm từ vựng.

– Liệt kê từ vựng đi kèm nghĩa tiếng Việt. Đây là cách học LƯỜI BIẾNG NHẤT TRÊN ĐỜI, chưa kể lại còn kém hiệu quả. Thay vì làm như vậy, hãy tra từ điển Anh-Anh và ghi lại giải nghĩa tiếng Anh ngay bên cạnh – đây cũng là một cách để bạn luyện chính tả và quen với cách diễn đạt/giải thích kiểu Anh, tốt nhất là đi kèm một số ví dụ thú vị, dễ nhớ.

Đây là một ví dụ về cách note từ mới của tôi (ngay cả cho đến bây giờ, mỗi khi gặp một từ mới, tôi vẫn ghi chép theo cách này):

Dilapidated ADJECTIVE /dɪˈlæpɪˌdeɪtɪd/

a dilapidated building, vehicle, or system is old and in bad condition

She lived in a dilapidated old cottage

(Từ điển Macmillan, Freedictionary)

 

Chúc các bạn may mắn! Vì tôi phải thừa nhận, trong bất cứ kỳ thi nào, may mắn cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhưng nó chỉ đến với những người có quyết tâm. 🙂

BỔ SUNG VỀ TÀI LIỆU HỌC TIẾNG ANH: 

Cho đến nay đây là bài viết đạt kỷ lục về views và likes trên blog mình. Sau bài viết này đã có nhiều người liên lạc hỏi mình về chuyện học tiếng Anh, trong đó có vấn đề tìm tài liệu học.
Mình thì rất sẵn sàng đưa ra lời khuyên nhưng riêng vấn đề tài liệu thì mình ngần ngại mãi vì quả thực mình không hề luyện tiếng Anh thường xuyên theo một cuốn sách nào. Mình bị nghiện mua sách nên sách tiếng Anh chất đầy giá nhưng chả học mấy, toàn để xó hoặc đi dạy người khác. =)) Bí quyết lớn nhất của mình là học với niềm say mê thông qua việc xem phim, đọc tiểu thuyết, đọc báo, áp dụng thường xuyên – nếu bạn nào cũng say mê như mình thì đảm bảo chả cần học theo sách nào từ từ TA cũng khá lên. Tuy nhiên, vì có nhiều người hỏi quá mà ai cũng tha thiết nên mình xin đưa ra 1 số lời khuyên về tìm tài liệu học tiếng Anh – mà mình đã truyền đạt lại với các bạn học tiếng Anh với mình như sau:
1. Mua sách học tiếng Anh loại nào, ở đâu:
– Không gì tốt bằng học sách Anh-Anh. Tức là sách do người bản xứ biên soạn. Mình không bao giờ học theo sách do người Việt hoặc Tàu biên soạn, hơi bị thành kiến chút.
– Nếu cần thì mình mua ở: Hiệu sách Tràng tiền (khu Ngoại văn tầng 2), Hiệu sách Fahasa ở đường Kim Liên mới, hiệu Xunhabasa ở Hai Bà Trưng. Ở Hà Nội nhé.
– Cần chú ý đến đối tượng độc giả của từng cuốn sách để xác định cho đúng. Ví dụ là beginner, pre-intermediate hay là intermediate hay là advanced. Bạn phải tự xác định để mua sách cho phù hợp kẻo lại mua phải sách quá dễ hoặc quá khó.
2. Một số cuốn sách mà mình dùng để luyện cho người học:
– English grammar in use: cuốn sách màu xanh này thì đã quá cổ lổ ai cũng biết rồi nhưng với mình nó đã trở thành kinh điển về sự hữu dụng và đơn giản khi học grammar. Xin chú ý làm các bài cơ bản về: chia động từ, sử dụng a/an/the, bị động, sử dụng tính từ/ giới từ.
– Academic writing practice for IELTS – Sam McCarter: sách này để luyện viết bài writing. Ai thích thì mua ai không thích thì.. kiếm bài mẫu trên mạng ấy nhiều lắm =))). Kiếm như sau, vào Google gõ “IELTS writing samples”.
– Nếu thích có cả kho văn mẫu về viết essay thì bạn có thể mua thêm: “Writing for the TOEFL iBT” (Barron’s). Cái này để luyện thi TOEFL chứ không phải IELTS nhưng có rất nhiều đề về argumentative essay, số bài thì vô vàn. Tuy nội dung bài viết có hay có chán nhưng chất lượng nhìn chung cũng ok, tức là grammar chính tả thì chính xác mà cách viết thì rất đơn giản, straight to the point, dễ học theo.
– Check your vocabulary for the IELTS – Rawdon Wyatt: dành cho người học có vốn từ kha khá một chút, ít nhất đã đạt IELTS chừng 6.5 trở lên.
– Oxford Word Skills – Ruth Gairns. Dành để luyện từ mới, có phân chia các level cho người học.
– Language practice with key – Michael Vince.
Bộ này cũng phân chia theo trình độ. Mình chỉ biết quyển Advanced (chi tiết, tỉ mỉ, nhiều bài luận hay).
– Đề thi IELTS mẫu: quyển nào cũng được hết miễn người bản xứ biên soạn. Mình chưa gặp quyển nào dở cả.

– Giáo trình Market Leader: rất phù hợp với những người đã đi làm và làm việc trong môi trường business. Sách có phân theo từng trình độ để người đọc tự lựa chọn.
3. Từ điển:
Thời đại mới rồi các bạn không cần phải mua sách rồi mò mẫm tẩn mẩn từng trang đâu. Mình chỉ dùng Freedictionary với Macmillandictionary trên mạng thôi.
4. Lười mua sách? Cần tiết kiệm tiền? Lên Google tìm tài liệu ấy nhiều lắm. =)) Theo mình nhớ thì cả trang BBC và VOA đều có phần dạy tiếng Anh – dạy từ mới, luyện nghe, đọc.. đầy đủ cả.

Nguồn: https://minhthi.net/2015/05/06/toi-da-dat-ielts-8-5-nhu-the-nao/

Leave a comment